Hợp tác kinh doanh là phương thức đầu tư được sử dụng phổ biến trong hoạt động hợp tác đầu tư khi đây là hình thức đầu tư mà các nhà đầu tư không thành lập tổ chức kinh tế. Mục đích của việc ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh là nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm. Ngày nay, việc hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư ngày càng nhiều, đa ngành đa lĩnh vực, kéo theo đó là những tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ phức tạp.
Chính vì vậy, khi giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Quý khách hàng cần có sự tư vấn, hỗ trợ của Luật sư chuyên môn, Chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp, uy tín. Trong bài viết dưới đây, Luật sư Giỏi Đà Nẵng sẽ cung cấp những vấn đề cơ bản nhất về tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

1. Tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì?
Để hiểu được thế nào là tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh, thì trước hết phải biết Hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì. Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.”
Từ khái niệm của Hợp đồng hợp tác kinh doanh nêu trên, có thể hiểu, tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh là sự xung đột, mâu thuẫn, bất đồng ý kiến về quyền, nghĩa vụ theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh và những lợi ích phát sinh trong quá trình hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm giữa các bên tham gia quan hệ hợp đồng.
2. Các vấn đề tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh thường gặp
Các tranh chấp về Hợp đồng hợp tác kinh doanh thường xoay quanh các vấn đề như sau:
2.1. Tranh chấp về yêu cầu rút vốn đầu tư, không đồng ý tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận.
Quyền rút khỏi Hợp đồng hợp tác được quy định tại Điều 510 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó:
- Thành viên có quyền rút khỏi Hợp đồng hợp tác theo điều kiện đã thỏa thuận trong Hợp đồng hợp tác hoặc có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.
- Thành viên rút khỏi Hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các bên trong hợp đồng không đồng ý với việc rút vốn, từ đó mâu thuẫn phát sinh, nảy sinh vấn đề tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
2.2. Tranh chấp về tài sản, lợi tức của hoạt động hợp tác kinh doanh
Hoạt động hợp tác kinh doanh không phải thực hiện đăng ký đầu tư đối với hoạt động hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau. Do vậy, có nhiều trường hợp một nhà đầu tư ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh cùng thời điểm với nhiều đối tác khác nhau, dẫn tới việc khó xác định tài sản của hoạt động hợp tác kinh doanh. Từ đó nảy sinh tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh về vấn đề tài sản, lợi tức của hoạt động hợp tác kinh doanh.
2.3. Tranh chấp liên quan đến việc minh bạch trong quản lý việc kinh doanh
Vấn đề minh bạch trong quản lý việc kinh doanh thường được các bên thỏa thuận trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Tuy nhiên, không phải lúc nào bên được giao quyền kinh doanh đều công khai, minh bạch, không giấu giếm trong quản lý việc kinh doanh.
Khi bên có quyền điều hành kinh doanh cố tính gian dối, hoặc bỏ qua nghĩa vụ minh bạch hoạt động quản lý tài chính của việc hợp tác kinh doanh làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thì sẽ phát sinh tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
3. Các phương thức giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Đầu tư 2020 quy định về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh thì “Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.”
Như vậy, việc giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh bao gồm các phương thức sau:
3.1. Phương thức thương lượng
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận, cùng nhau tìm phương án để giải quyết mâu thuẫn, không có sự tham gia của bên thứ ba.
Bản chất của Hợp đồng hợp tác kinh doanh là sự thỏa thuận của các nhà đầu tư về các vấn đề hợp tác kinh doanh. Do vậy, phương thức thương lượng luôn được các bên ưu tiên lựa chọn đầu tiên khi giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Phương thức giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh bằng thương lượng vừa giúp hóa giải được mâu thuẫn giữa các bên, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí. Tuy nhiên, việc thực hiện kết quả của thương lượng dựa trên tinh thần tự nguyện của các bên, không mang tính bắt buộc, cưỡng chế, nên trong một số trường hợp, thương lượng xong các vấn đề tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng một hoặc các bên lại không thực hiện các thỏa thuận đã thương lượng.
3.2. Phương thức hòa giải
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có sự hỗ trợ, giúp đỡ tham gia của bên thứ ba với vai trò trung gian để tìm ra phương án giải quyết
Đây là phương thức giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém. Tuy nhiên, nếu hòa giải không thành thì ưu điểm về chi phí thấp lại trở thành chi phí bổ sung cho các bên tranh chấp.
3.3. Phương thức giải quyết bởi Trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại cũng là phương thức cần có sự hỗ trợ của bên thứ ba là Trọng tài viên nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.
Khác với phương thức hòa giải, phương thức giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh bởi Trọng tài có tính bắt buộc thực hiện hơn thông qua phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, do Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị (khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010) nên đôi khi các quyết định của trọng tài có thể không chính xác, gây thiệt hại đối với doanh nghiệp.
Lưu ý khi chọn trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp, các bên phải có thỏa thuận sử dụng trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp.
3.4. Phương thức giải quyết tại Tòa án
Khi phát sinh tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh mà các bên không tự thương lượng, hòa giải hoặc thương lượng, hòa giải không thành, không lựa chọn phương thức giải quyết bằng Trọng tài thì một trong các bên có thể nộp Đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
Giải quyết tranh chấp tại Tòa án thì có ưu điểm ở chỗ các quyết định của Tòa án có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên. Tuy nhiên, thời gian giải quyết tranh chấp thường kéo dài gây mất thời gian, công sức cho các bên.
4. Dịch vụ Tư vấn giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh – Luật sư Giỏi Đà Nẵng
- Chúng tôi quy tụ đội ngũ luật sư có nhiều năm kinh nghiệm, đã tư vấn và hỗ trợ hàng trăm Khách hàng giải quyết các vấn đề có liên quan đến Doanh nghiệp – Kinh doanh – Thương mại tại Đà Nẵng;
- Ưu tiên hướng đến đạt được mong muốn, nguyện vọng, lợi ích cho Khách hàng;
- Tiết kiệm chi phí và bảo mật thông tin tuyệt đối của Khách hàng;
- Nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Khách hàng.
Trên đây là những vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Để tránh những tranh chấp phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên nên thỏa thuận chi tiết, rõ ràng các điều khoản trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Để hiểu rõ hơn về quá trình soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Quý khách hàng có thể xem thêm Tư vấn soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh và Những nội dung cần lưu ý khi soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh của Luật sư Giỏi Đà Nẵng.
Tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh có nhiều vấn đề khá phức tạp. Chính vì vậy, khi giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Quý khách hàng cần có sự tư vấn, hỗ trợ của Luật sư chuyên môn, Chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp, uy tín. Nếu Quý vị có nhu cầu được tư vấn giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh, xin vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua:
hotline: 0931 992 221
Địa chỉ email: luatsugioidanang@gmail.com
Facebook: www.facebook.com/luatsugioidanang
Trân trọng cảm ơn.