Tư vấn soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh

Hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, quá trình hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư nhằm tương trợ lẫn nhau và tìm kiếm nguồn lợi nhuận lớn diễn ra ngày càng phổ biến. Do đó, Hợp đồng hợp tác kinh doanh đã ra đời nhằm ghi nhận một cách chính xác, chặt chẽ, khách quan những thỏa thuận hợp tác của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp….

Tuy nhiên, đối với những cá nhân, tổ chức chưa có nhiều kinh nghiệm thường xuất hiện rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Trong bài viết dưới đây, Luật sư giỏi Đà Nẵng sẽ gửi đến Quý vị các thông tin, quy định pháp luật có liên quan và đưa ra hướng dẫn về quy trình soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Tư vấn soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh
Tư vấn soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh

1. Hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì?

Khoản 1 Điều 504 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng hợp tác:

“Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.”

Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định về Hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau:

“Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.”

2. Ưu điểm và nhược điểm của Hợp đồng hợp tác kinh doanh

2.1. Ưu điểm của Hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Giúp nhà đầu tư tiết kiệm công sức, chi phí, thời gian vì không yêu cầu phải thành lập pháp nhân và không phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mới;
  • Các bên trong quan hệ hợp đồng cùng nhau chia sẻ quyền lợi, nghĩa vụ, rủi ro một cách linh hoạt;
  • Trong quá trình hợp tác, các bên có thể tận dụng thế mạnh của nhau để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh;
  • Đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh, các bên vẫn giữ nguyên tư cách pháp lý của mình, nhân danh chính mình thực hiện hợp đồng. Chính điều này đã góp phần tạo nên tính chủ động trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện.

2.2. Nhược điểm của Hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Khi kí kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh không yêu cầu các bên phải thành lập một tổ chức kinh tế, không có tư cách pháp nhân cũng như không có người đại diện theo pháp luật, không có con dấu chung. Chính vì vậy, các bên sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giao kết Hợp đồng với bên thứ ba;
  • Việc sử dụng tư cách pháp lý của một bên là pháp nhân để thực hiện dự án sẽ làm tăng trách nhiệm cho bên đó, đồng thời khó tách bạch trong quản lí thu, nộp thuế;
  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh không phù hợp với những dự án có thời gian dài và yêu cầu việc quản lí, kinh doanh phức tạp;
  • Hiện tại, hình thức đầu tư dưới hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được quy định tại Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên, các quy định tại đây vẫn còn rất chung chung, chưa có các văn bản hướng dẫn kèm theo.

3. Hình thức của Hợp đồng hợp tác kinh doanh

Khoản 1, Khoản 2 Điều 27 Luật Đầu tư 2020 và Khoản 2 Điều 504 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Hình thức của Hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo đó:

“Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản.”

Việc quy định Hợp đồng hợp tác kinh doanh phải được lập thành văn bản đã giúp cho những thỏa thuận giữa các nhà đầu tư được ghi nhận một cách đầy đủ, chính xác, rõ ràng, chặt chẽ, đảm bảo căn cứ xác đáng để giải quyết các tranh chấp phát sinh về sau (nếu có).

4. Các điều khoản cơ bản của Hợp đồng hợp tác kinh doanh

Khoản 1 Điều 28 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về các nội dung chủ yếu của Hợp đồng hợp tác kinh doanh bao gồm:

  • Mục đích, thời hạn hợp tác;
  • Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;
  • Tài sản đóng góp, nếu có;
  • Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;
  • Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức;
  • Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;
  • Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có;
  • Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có;
  • Điều kiện chấm dứt hợp tác.

Bên cạnh các điều khoản cơ bản đã liệt kê trên, Hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể có thêm các điều khoản khác kèm theo như:

  • Các trường hợp miễn trách nhiệm;
  • Các trường hợp bất khả kháng;
  • Phạt vi phạm Hợp đồng;
  • Bồi thường thiệt hại;
  • Bảo mật Hợp đồng;
  • Giải quyết tranh chấp Hợp đồng.

5. Những vướng mắc thường gặp khi soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh

Với những cá nhân, tổ chức chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh, thường xuất hiện những vướng mắc dưới đây:

  • Các bên không thể lường trước toàn bộ những rủi ro có thể phát sinh từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
  • Các bên chưa có sự am hiểu sâu sắc về quy định pháp luật có liên quan cũng như các điều khoản cơ bản của Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
  • Hình thức của Hợp đồng hợp tác kinh doanh có bắt buộc phải là văn bản? Nếu là văn bản có bắt buộc phải công chứng/chứng thực?
  • Yêu cầu về loại tài sản đóng góp, thủ tục đóng góp tài sản;
  • Phương pháp phân chia lợi nhuận tối ưu và hợp lí nhất;
  • Thỏa thuận liên quan đến quyền lợi – nghĩa vụ kèm theo khi kí kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
  • Các quy định có liên quan đến tranh chấp hợp đồng (biện pháp giải quyết, quy trình giải quyết…);
  • Xác định các trường hợp được phép rút khỏi Hợp đồng hợp tác kinh doanh và trách nhiệm phát sinh trong những trường hợp đó.

Khi tiến hành soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh, các bên cần dự liệu trước những tình huống có thể xảy ra nhằm thiết lập những điều khoản của Hợp đồng một cách chặt chẽ, điều này góp phần ngăn chặn và lên phương án giải quyết tranh chấp (nếu có).

6. Quy trình soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu của Khách hàng về việc soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
  • Bước 2: Tư vấn cho Khách hàng các quy định có liên quan về Hợp đồng hợp tác: các điều khoản cơ bản, quyền và nghĩa vụ của các bên; điều kiện tham gia/rút khỏi Hợp đồng;
  • Bước 3: Trực tiếp tham gia cùng với Khách hàng nghiên cứu và thỏa thuận với các thành viên cùng hợp tác khác;
  • Bước 4: Liên hệ, tiếp nhận các thông tin có liên quan đến việc soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
  • Bước 5: Tiến hành soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh theo những vấn đề đã được thỏa thuận với Khách hàng;
  • Bước 6: Tham vấn ý kiến Khách hàng, rà soát lại toàn bộ nội dung Hợp đồng và bàn giao cho Khách hàng Hợp đồng hợp tác kinh doanh hoàn chỉnh;
  • Bước 7: Tư vấn, hỗ trợ Khách hàng nhận diện, quản lí rủi ro trong quá trình thực hiện Hợp đồng.

7. Luật sư tư vấn soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Đà Nẵng

  • Chúng tôi quy tụ đội ngũ luật sư có nhiều năm kinh nghiệm, đã tư vấn và hỗ trợ hàng trăm Khách hàng giải quyết các vấn đề có liên quan đến Doanh nghiệp – Kinh doanh – Thương mại tại Đà Nẵng;
  • Ưu tiên hướng đến đạt được mong muốn, nguyện vọng, lợi ích cho Khách hàng;
  • Luôn đồng hành cùng Khách hàng, phản hồi nhanh chóng, chủ động các vấn đề của Khách hàng;
  • Chúng tôi có thể làm nhiều hơn những gì mà khách hàng đã chi trả cho Chúng tôi.

Trên đây là những quy định của pháp luật liên quan đến Hợp đồng hợp tác kinh doanh và những định hướng cơ bản nhất trong quá trình soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình, tránh được rắc rối không đáng có về sau, những thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư nên được lập thành Hợp đồng dưới dạng văn bản.

Chính vì vậy, khi Quý vị có nhu cầu tiến hành hợp tác kinh doanh, cần nắm rõ quy định của pháp luật và tốt nhất nên có sự tư vấn của đội ngũ Luật sư có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực Kinh doanh – Thương mại để đảm quá trình hợp tác kinh doanh được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện và an toàn cho Khách hàng.

Nếu Quý vị có nhu cầu được tư vấn soạn thảo Hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Đà Nẵng xin vui lòng liên hệ với Chúng tôi thông qua các kênh thông tin liên lạc dưới đây:

Số điện thoại: 0931992221.

Địa chỉ email: luatsugioidanang@gmail.com.

Facebook: https://www.facebook.com/luatsugioidanang

Trân trọng cảm ơn.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *